Hồi mình còn nhỏ, nhà mình cũng trồng rau để ăn, để bán, hoàn toàn hữu cơ. Ngày ấy tất cả là thế. Mới mấy chục năm mà nay thấy hàng hữu cơ chở thành xa xỉ, hiếm hoi… Sao sao ấy.
Nhóm chuyên gia Kinh tế - Kỹ thuật của mình đã hội thảo và đi đến kết luận: Làm hữu cơ dễ hơn vô cơ. Này nhé: Có thể quên cả nửa tháng không cho cây ăn; Có thể trồng không đúng cách, tưới không đúng kiểu; Có thể không cần biết kỹ từng giai đoạn sinh trưởng của cây để cho nó “Ăn gì, bao giờ, như thế nào…”; Có thể nhiều cái bất chuẩn nữa, mà vẫn có cây trồng khá tốt với chất lượng tuyệt hảo. Vậy nhé, hãy đồng ý với các Chiên Da của mình về kết luận: Canh tác hữu cơ dễ hơn. Trên cơ sở sự đồng tình ấy, mình gửi mọi người chùm bài viết dưới đây về canh tác và thâm canh hữu cơ. Những bài viết này đơn giản là hiểu biết của mình, để tham khảo. Nó hoàn toàn không phải là kiến thức chuẩn, nhất là kiến thức mang tính khoa giáo… Nói be bé với nhau một tý: Canh tác hữu cơ thì buộc phải “Chân lấm tay bùn”… Thế thôi…
Bài 1 - CÂY ĂN KIỂU HỮU CƠ.
Nhìn một thửa ruộng, một cánh đồng… chỉ quên cho ăn ít ngày, hay qua một biến động thời tiết nho nhỏ thôi cũng dễ thấy nó bạc phếch, te tua. Một quần thể thực vật khác: Khu rừng tự nhiên. Có bao giờ ta thấy khu rừng thiếu sức sống không? Không bao giờ, ngay cả mùa lá rụng, ngay cả trong mùa đông trụi lá. Nhiều lý do. Trong bài này mình đề cập đến một: Cách ăn của cây.
Trong tự nhiên (Khi không có yếu tố canh tác) các khoáng chất, các chất hữu cơ mà cây có thể hấp thụ được… Tóm lại mọi thứ cây có thể dùng làm thức ăn, phần lớn nằm trong dạng liên kết với nhau, với các chất hữu cơ khác trong đất. Túm lại chúng ít “tung tăng”, có sẵn để cây ăn. Một thuật ngữ mỗi người có thể dễ dàng tra cứu được “Liên kết càng cua”. Thức ăn của cây được kẹp chặt trong những “càng cua”. Và cây, muốn ăn phải mất một lực nhất định, cùng với lực ấy là tiết ra những enzim (men sinh học) cần thiết để hỗ trợ cho quá trình “giằng” lấy miếng ăn. Như con gà chăn thả ngoài rừng phải bươn chải, nhặt từng hạt cỏ, bới từng con giun… vất vả phết đấy. Muốn lớn được đầu tiên phải có bộ rễ rất khỏe. Các thành phần hữu ích con người thu được, dù là gỗ, hay quả, hoa, lá, rễ sẽ có chất lượng cao hơn hẳn, chính vì cây chỉ “ăn” cái nó cần. Trong các khu rừng nguyên sinh, lớp mùn bã cực dày, thức ăn rất nhiều, cây lớn mạnh nhưng không hề có hiện tượng “xốp, mọng…” từng thớ gỗ vẫn chắc nịch, từng ngọn rau vẫn rất đặm ngọt và nếu lấy được những cây thuốc từ đây luôn “sắt đặc” chất thuốc nhất.
Vậy trồng hữu cơ có thể hiểu đơn giản là trả lại cuộc sống của cây cho chính nó. Để nó sẽ trả cho mình những gì tốt nhất mà nó có thể tích tụ được.
PS: Và nếu, cung cấp cho đất lượng dinh dưỡng hữu cơ cũng như các điều kiện chuyển hóa đủ lớn, ta có thể… lười, mặc kệ cây… Vấn đề này xin để ở bài sau.
Ngay thần lửa tàn khốc nhất vẫn không thể khuất phục được sức sống của cây rừng - Ảnh sưu tầm trên mạng… |
* Bài viết của nhà báo - nông rân Xuân Trường
Post a Comment