Trong các sách dạy kỹ năng đều nêu tầm quan trọng của tư duy cầu tiến. Nếu bạn truy tìm thông tin về tư duy này thì sẽ tìm thấy hầu hết nói về khía cạnh tốt của nó. Thế mặt trái của tư duy cầu tiến là gì? Khía cạnh xấu của nó ở đâu? Đương nhiên cái gì cũng có hai mặt: tích cực và hạn chế; “Tư duy cầu tiến” cũng vậy, nó có mặt trái nhưng không mấy ai nêu điều này.
Trong hành trình đạp xe xuyên Việt
của tôi và con trai (Tommy Pham) thật may mắn khi chúng tôi có cơ hội trao đổi với nhau về mặt
trái của tư duy cầu tiến.
Chúng
tôi đã đạp qua nhiều cung đường với nhiều cảm xúc khác nhau, quãng đường dài, ngắn khác nhau dưới cái nắng, gió khắc nghiệt của dải đất miền Trung. Hai bố con đã đặt mục tiêu trước chuyến đi là trung bình mỗi ngày sẽ đạp khoảng từ 6 giờ - 8 giờ, tùy thuộc vào địa hình, sức khỏe với khoảng cách từ 80km – 120 km.
Chặng đạp từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình với chiều dài hơn 100km, ít đèo dốc và cũng là chặng đầu tiên, vì vậy chúng tôi đã dễ dàng vượt qua quãng đường dài mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào.
Với thời tiết khắc
nghiệt của miền Trung ngoài việc đạp xe dưới cái nắng khô trên 40 độ, chúng tôi lại còn phải
đạp ngược gió nên đã bào mòn khá nhiều sức lực của hai cha con chúng tôi. Tuy nhiên, Tommy sau khi hoàn thành những chặng đầu thì cậu tỏ ra vô cùng phấn khích.
Tôi biết Tommy đã được tôi trao đổi nhiều về bài học “tư duy cầu tiến”, nhưng tôi cũng muốn xem con sẽ thực hiện nó như thế nào? qua những cung đường tiếp theo.
Chặng tiếp theo của hành trình xuyên Việt sẽ là: Quy Nhơn – Tuy Hòa. Tôi có nói với Tommy: Chặng
đường này ta sẽ giao cho con tiếp tục chọn cung đường và địa điểm đến. Tommy đã
chọn cung đường khó hơn, dài hơn so với những chặng trước đó, Tommy đã lên kế hoạch đạp thẳng từ Quy
Nhơn đến Tuy Hòa với quãng đường dài hơn 100km. Đó là tư duy cầu tiến, thách thức
lần này phải khó hơn cái mà mình đã thành công vượt qua rồi!
5h30'. Trước khi dời khỏi thành phố Quy Nhơn, hai bố con ăn sáng, uống cafe, sau đó tranh thủ đi đến gềnh Ráng ghé thăm mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Thời tiết buổi sáng hôm đó thật nóng, đến chân đèo Cù Mông thì Tommy bắt đầu xuống sức vì vậy cậu quyết định dừng chân ở quán Cafe Phố Núi nghỉ ngơi mặc dù chúng tôi mới đi được hơn 20 km, mỗi người uống 1 ly cafe sữa, 1 lon nước tăng lực (Red Bull) thì tiếp tục hành trình.
Về lịch sử: Theo sử sách, năm 1471 sau trận chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, người Chăm thua trận nên đã bị mất vùng đất phía bắc từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông, và từ năm 1471 đèo Cù Mông này chính là ranh giới mới giữa Đại Việt và Chiêm Thành cho đến năm 1611.
Về địa lý: đèo là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây, khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (tuyến đường ven biển Quốc lộ 1D) thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
Trở lại với cung đèo Cù Mông. Đạp khoảng hơn 30 phút thì hai cha con đi được khoảng 2/3 đoạn đèo, đến đoạn dốc cao thì Tommy “sập nguồn”, cậu không thể đạp nên nhảy xuống dắt bộ và rồi hai chân của cậu đá vào nhau, bước đi thất thểu, hình như bộ não không thể điều kiển chân tay của cậu nữa. Tommy buộc phải ngồi xuống, 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút trôi qua, cuối cùng cậu cũng đứng được dậy để tiếp tục đi, dắt xe được 100 mét dưới cái nóng như nung, mồ hôi ướt đầm áo, bất chợt Tommy lại ngồi xuống. Tôi nói: con không thể đi tiếp dưới cái nắng này được nữa vì như vậy sẽ rất nhanh xuống sức nên chăng chúng ta sẽ mắc võng ở khúc cua này để nghỉ ngơi một vài giờ rồi tiếp tục đạp nhưng Tommy đã cố gắng đứng dậy vừa đạp, vừa dắt xe qua đoạn dốc cao nhất để lên đến đỉnh đèo.
11h 15’. Đỉnh đèo cũng xuất hiện,
Tommy lên đến đỉnh, cậu đã chinh phục con đèo bằng ý chí của mình với dòng năng lượng cuối
cùng vì Tommy đã hết “pin” từ lưng chừng đèo.
Nạp năng lượng xong, chúng tôi
tìm đến quán cafe võng nằm nghỉ.
14h30’. Chúng tôi tiếp tục hành
trình tiến vào Phú Yên. Mặc dù được nghỉ hơn 2 giờ trên đỉnh Cù Mông nhưng hôm nay chúng tôi bắt đầu ngấm mệt và càng đạp càng đuối sức.
(Những đám mây kéo đến, ảnh chụp tại thị xã Sông Cầu)
15h30’. Bất ngờ trên bầu trời những đám mây đen kéo tới. Những đám mây ở phía xa
kia có thể sẽ mưa. Theo lịch trình thì chúng tôi còn hơn 60km nữa mới tới thành
phố Tuy Hòa, với sức khỏe bình thường nếu không phải đạp xe ngược gió thì phải
mất 3 giờ nữa mới tới đích.
Tôi nói với Tommy: Bố thấy nếu tiếp
tục đạp nữa thì chúng ta sẽ dính mưa và chúng ta cũng không biết phía trước con
đường còn bao nhiêu con dốc, nếu chúng ta cứ tiếp tục tiến lên sẽ nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta nên dừng lại, tìm chỗ nghỉ chân rồi mai tiếp tục hành trình. Nếu bố dự đoán đúng
thì đám mây đó sẽ đến đây khoảng 1-2 giờ nữa, lúc đó chúng ta không thể đến Tuy
Hòa được và chúng ta sẽ gặp nhiều rủi ro trên đường. Tommy đồng ý thế là hai cha con chúng tôi tìm vào một nhà nghỉ bên đường
Quốc Lộ 1, đầu thị xã Sông Cầu để nghỉ qua đêm.
Hôm sau, chúng tôi dậy từ sớm để
đi nốt (50 km) chặng đường còn lại, đúng như dự đoán, cung đường từ thị xã Sông
Cầu đến thành phố Tuy Hòa chúng tôi đã phải vượt qua hàng chục đèo dốc, tuy chiều
dài và độ dốc của mỗi con đèo không lớn nhưng nếu hôm qua chúng tôi cứ tiếp tục
thì không biết sẽ ra sao?.
Thế là tôi vừa đi vừa trao đổi với
Tommy về mặt trái của tư duy cầu tiến. Tôi nói: “Người có tư duy cầu tiến thường
khá lì với mục tiêu của họ. Khi đã đi được 2/3 đường thì lúc nào cũng muốn cố gắng
để đến đích vì đã bỏ công sức và có thể của cải đầu tư rồi nên sẽ không bao giờ
bỏ cuộc”. Đây gọi là hiệu ứng chi phí
chìm. Khi bạn đã bỏ tiền của, thời gian, và công sức vào việc gì thì sẽ khó
bỏ cuộc. Cái giá càng lớn thì lại càng khó bỏ cuộc. Với người có tư duy cầu tiến
thì cái này càng khó.
Tôi kể cho Tommy nghe về một tai nạn
trong chuyến leo lên đỉnh Everest 1996 mà sau này làm thành phim “Into Thin Air”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn này đó là ‘Sunk cost effect’ hay gọi
là hiệu ứng chi phí chìm. Những người leo núi đã bỏ số tiền khoảng 70 ngàn Đô
la và hơn cả tháng để tập luyện chỉ để một lần được leo lên đỉnh.
Nguyên tắc là họ bắt đầu khởi hành vào nửa đêm để lên đỉnh và phải quay xuống
trước 1 giờ chiều nếu không sẽ bị lạc trong đêm. Số người trong đoàn vì đã đầu
tư quá nhiều cho chuyến leo núi nên 1 giờ chiều họ vẫn chưa đến đỉnh đúng ra họ nên
quay lại nhưng họ không làm thế mà tiếp tục để đến đỉnh và không bắt đầu quay lại
đến 4 giờ chiều. Kết quả 8 người chết trong đó có hai người trưởng đoàn là chủ
công ty du lịch leo núi Everest.
Trở lại cung đường đạp xe từ Quy
Nhơn đến Tuy Hòa của hai cha con, trận mưa chiều cùng với sức lực đã giảm đi
đáng kể sau nhiều ngày đạp xe trên dải đất miền Trung nắng nóng nếu hai cha con
không dừng chân để nghỉ ngơi thì chúng tôi khó lòng mà giữ được sức khỏe, sự an toàn cho bản thân khi trời bắt đầu tối. Tuy nhiên hai cha con đã dừng lại đúng lúc để tránh nguy hiểm và rủi
ro có thể xảy ra.
Bạn thường nghe lời khuyên: “Không
bỏ cuộc. Không bao giờ được bỏ cuộc” “Phải đi đến cùng theo kế hoạch mà mình đã
vạch ra”. Thế khi nào thì nên bỏ cuộc? Đâu phải việc gì cũng phải làm cho đến
cùng, đúng không?. Nếu bạn thấy không ổn nhưng rồi vẫn tiếp tục vì trong đầu cứ
bảo “không bỏ cuộc” phải chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng hay sao? Hay bạn
nên đánh giá khả năng để có thể ra quyết định thời điểm bỏ cuộc chấp nhận nhưng
vẫn còn khả năng đứng dậy làm lại?.
Hành trình này là một cơ hội trời
cho để Tommy có một bài học để hiểu về mặt trái của tư duy cầu tiến. Kết luận: “Anh hùng không phải là người chiến
đấu đến hơi thở cuối cùng mà là người biết bảo tồn mạng sống để cuối cùng thắng
cuộc chiến.”
Đạp xe đổ đèo Cù Mông:
* Bình Phạm
Nhất trí với hai cha con: “Anh hùng không phải là người chiến đấu đến hơi thở cuối cùng mà là người biết bảo tồn mạng sống để cuối cùng thắng cuộc chiến.”. Chúc mừng vì hai người đã chiến thắng trở về.
ReplyDeletePost a Comment