NÔNG DÂN TRONG MẮT TÔI

NÔNG DÂN TRONG MẮT TÔI

Tôi là một người phố, bởi là tôi sinh ra ở phố, sống giữa phố và trưởng thành làm nghề cầm bút kiếm cơm nơi phố thị; khi bước vào tuổi 48 bỗng dưng tôi lại muốn làm ông nông dân.

Được trải nghiệm làm nông dân đúng nghĩa từ khi bỏ phố về nông thôn, hàng ngày tôi đi ngủ từ 8 giờ tối, thức giấc lúc 5 giờ sáng, rồi ngày ngày cầm cuốc ra vườn. Những lúc rảnh rỗi thì ngồi quan sát người nông dân lúc họ làm vườn, làm ruộng, và ngắm nhìn cuộc sống sinh hoạt trong ngôi nhà của họ nơi thôn quê. Tôi đã hiểu thêm về người nông dân và thấy cần viết đôi điều về nông dân.

(Ảnh: cánh đồng xanh mướt)

Có những thứ đã thành tín điều mà người ta vô tư và mặc nhiên gieo vào đầu con trẻ để thành một niềm tin bất di bất dịch như sự sùng tín của tín đồ với tôn giáo của họ. Những thứ ấy nhiều vô kể, như “người nông dân hiền lành chất phác, người nông dân chịu thương chịu khó; anh em xa láng giềng gần v.v..” Vậy có thật đúng thế không?

Tôi làm nhà và sửa nhà rất nhiều lần (cả lớn, nhỏ) và quan sát những người thợ xây. Họ đa phần là nông dân bỏ cuốc cầm bay. Đi muộn về sớm, làm việc cẩu thả, trốn việc như chớp, lãng phí vật liệu, câu giờ siêu hạng… Vì còn vữa nhưng sắp đến giờ nghỉ, họ nhìn quanh và đổ luôn xuống hố, phủi tay. Có người quen làm sơn nước, ngồi vô tư kể “vì nắng quá mà trưa rồi nên lén lút đổ luôn cả thùng sơn xuống bồn cầu để ra về cho kịp giờ. Họ đi đổ mố cầu, nếu không có giám sát ở bên thì thay vì trộn bê tông đúng mác thì họ sẽ đổ luôn cát đá vào mà không hề có xi măng. Họ rất lấy làm sung sướng vì thấy mình “khôn”. Những ai có xây dựng các công trình cho gia đình mà khoán công nhật cho thợ thì có thể sẽ phát điên vì cái cung cách làm ăn cẩu thả và lẩn việc của họ.

Người nông dân có thật siêng năng không? Tôi không thấy thế. “Đói thì đầu gối phải bò”, nhưng vừa đỡ cơn đói thì họ ngồi trà vặt rượu nát ngay. Mỗi năm vài tháng mùa, thời gian còn lại gọi là “nông nhàn” nhưng đã suốt cả ngàn năm rồi, cơ bản họ không có sự cải tiến nào đáng kể trong lao động sản xuất; mọi thứ rất trì trệ, cũ kỹ. Hình ảnh người nông dân Việt rất khác với nông dân ở nhiều nước trên thế giới (tất nhiên ở xứ Việt này không phải không có những cá nhân đặc biệt như vậy, nhưng nó không làm thành một thứ “phẩm chất cộng đồng”); có lần trên đường về làm vườn vợ tôi tâm sự: Người nông dân ở các nước Anh – Mỹ - Nhật trông họ sạch sẽ tinh tươm, nhà cửa gọn gàng, tinh thần vui vẻ, trông họ như trí thức người Việt. Tai sao lại vậy anh nhỉ? Một câu hỏi mà tôi rất khó giải thích để vợ mình hiểu. Nhà tôi ngay sát cánh đồng, chưa bao giờ tôi nghe thấy người đi làm đồng hò hát gì như trong văn học đã từng mô tả, mà chủ yếu là nghe thấy tiếng chửi: chồng chửi vợ, mẹ chửi con, chung vè chửi nhau, thậm chí còn vác đòn gánh rượt nhau chạy khắp đồng. Rất ít người chung bờ ruộng mà không bất hòa, rất ít hàng xóm chung bờ rào mà không mâu thuẫn chửi gà mắng chó…

Người nông dân không “hiền lành” mà là giỏi nhịn nhục. Khi không có sức mạnh thì làm sao mà ác được! Vì thế, chỉ cần có kẻ nào yếu thế hơn thì họ lập tức sẽ bộc lộ, nhưng thường thì chủ yếu họ chỉ tìm thấy ở đó chính vợ con họ. Đánh con là thường, ngày nay đánh vợ đã ít hơn nhưng cái “bạo lực tinh thần” thì gần như vẫn còn duy trì khá nguyên vẹn.

Người Việt “duy tình”? Tôi không thấy thế. Duy cảm chứ không phải duy tình, là cảm tính chứ không phải tình cảm. Người việt không phải là trọng tình mà là trọng lợi. Người ta đi lại với nhau vì “có đi có lại”. Nếu người ta mời mình một bữa cùng hai thì được, nhưng đến bữa thứ 3 thì coi chừng, bạn có thể trở thành người xấu trong mắt họ, “thằng ấy sống bẩn”, dù là họ chủ động mời mọc rủ rê. Họ móc ví rất nhanh nhưng về nhà thì ấm ức, “thằng đó chơi không đẹp”. Người ta rất dễ mâu thuẫn với nhau bởi những thứ hơn thiệt vụn vặt, thậm chí có thể vung dao về phía nhau vì con trâu lỡ ăn mất vài cây lúa.

Lấn đường, lấn ruộng, lấn đất… Khúm núm trước kẻ mạnh và ức hiếp người yếu. Các nhà nghiên cứu văn hóa làng xã nói rằng: “cố kết/đoàn kết”, kỳ thực không phải vậy. Người nông dân rất chia rẽ. Nếu có trai làng khác qua tán gái làng thì họ mới “đoàn kết”, “đi chợ bênh anh em họ, đi họ bênh anh em nhà”. Cứ hễ gia đình có hiếu hỉ tang ma thì thể nào cũng cãi cự, từ mặt. Suy nghĩ thiển cẩn và lấy những cái lợi vặt vãnh làm quán xuyến trong xử thế. Nếu gọi đúng phải là “duy lợi”, không phải ‘duy tình”, lại càng không có duy lý. Cứ đọc Nam Cao chúng ta sẽ hiểu người nông dân An Nam xưa và Việt Nam ngày nay. Và cứ theo thực tế cũng như những gì ông Nam Cao đã lột tả thì những cuốn về Bản sắc văn hóa xứ An Nam này phải bỏ đi gần hết. Cái căn tính nông dân trong người trí thức Việt làm thành một hình ảnh rất kỳ dị: khôn khéo, tinh ranh mà ít trí tuệ; liều lĩnh mà ít lòng dũng khí, giữ lợi riêng mà im lặng trước các vấn đề xã hội, tranh luận thì nặng lời miệt thị. Tinh thần quý tộc là một cái gì rất xa lạ trong xã hội Việt Nam.

Không thấy bản thân mình thì không thể sửa được, cái khốn khổ là người ta lại thường chỉ thấy cái xấu ở người chứ bản thân mình thì tốt trọn.

Trong mỗi người việt không phải chỉ có một ông quan như người Pháp đã soi thấy, mà còn có luôn một ông nông dân ngự ở đó. Bạn đọc cuốn Tâm lý người An Nam của Paul Giran chưa? Nếu chưa đọc quả là đáng tiếc, nhưng tôi xin trích ra đây một đoạn viết về Người An Nam: ... “Về Thương mại. Sản xuất. Ngôn ngữ. Chữ viết. Văn học. Kịch nghệ tầm thường và ở tầm mức thấp. Về tính cách thì dưới tác động đáng kinh ngạc của khí hậu nóng ẩm, thành ra tính vô cảm thâm căn cố đế, tính bình thản, trơ trơ… là tính cách của người An Nam. Sự vô cảm có thể chỉ ra trong cộng đồng An Nam là một dân tộc có nền văn minh dù tương đối cao, song lại thể hiện sự thiếu vắng của tất cả mọi sự tiến bộ, mọi nét tinh tế trong phong cách ăn uống... Tính vô cảm của người An Nam còn thể hiện qua sự thiếu vắng mọi phương tiện về phương diện cư trú, trang phục, về vệ sinh nhà cửa và cá nhân.... Chúng ta phải một lần nữa thừa nhận rằng người An Nam khiếm khuyết nền tảng hoạt động”.

(Chủ nhân của ngôi nhà là một gia đình nông dân thời hiện đại - nhà ở: Bẩn thỉu, kém vệ sinh)

(Rác từ trong nhà ra đến ngoài vườn)

Bể nước không được sử dụng nữa và gia chủ đã làm hố để rác ngay trước cửa nhà bếp

Quanh nhà đâu cũng thấy rác

Bao đời nay có lẽ người nông dân này không có khái niệm dọn dẹp vệ sinh nhà cửa
Tôi mua mảnh vườn cây và ngôi nhà cấp 4 cỡ 40m2 nhưng trước khi tôi bỏ phố dọn về quê, thì gia đình tôi đã phải mất hơn 10 buổi dọn rác trong nhà và quanh vườn được tổng cộng 30 bao rác.


Post a Comment

Previous Post Next Post