[PHƯỢT XUYÊN VIỆT 2020] GẶP GÌ KỂ ĐẤY

[PHƯỢT XUYÊN VIỆT 2020] GẶP GÌ KỂ ĐẤY

 Về chúng tôi: Khi hai bố con Tommy bịt kín mặt, đạp xe qua những làng quê miền Trung, người dân hai bên đường khi nhìn thấy chúng tôi thì họ gọi chúng tôi là "Tây", rồi họ chào chúng tôi: “Hello! Ông Tây”, hai bố con tôi chỉ dám chào lại bằng những ánh mắt, nụ cười và những cái vẫy tay chào đáp lễ.  Dù bị nhầm là "Tây" nhưng chúng tôi rất tự hào rằng "Tây thật" cũng ít người đi một chuyến phưu lưu xuyên Việt thật sự như chúng tôi. Chỉ khi chúng tôi dừng chân để hỏi đường hay để nghỉ ngơi lúc đó họ mới biết chúng tôi là những người Việt Nam đạp xe xuyên Việt, lúc này họ nhìn chúng tôi một cách tò mò, xen lẫn ngạc nhiên; bởi lẽ ở cái thời này còn mấy người Việt lại "dở người" đi du lịch bằng xe gắn “động cơ chạy bằng cơm”! Có người phang cho chúng tôi một câu nghe cũng bùi tai:  "Sao không đi du lịch bằng tàu bay, hay xe bốn bánh cho sướng cái thân!  Tội lệ gì...?"

Ừ!, mà chúng tôi cũng "dở người" thật!. 

Ai bảo chúng tôi điên, dại...cũng mặc! Đi du lịch xuyên Việt trên chiếc xế điếc vẫn có cái thú riêng của nó, đam mê đến tuyệt vời! Nếu không tin, các bạn cứ xách xế và đạp một vòng quanh nơi bạn đang sống thì biết. Tuyệt cú mèo!

Với niềm tự hào thỏa chí được đạp xe từ Bắc vào Nam nhưng so với nhiều người dân chăm chỉ làm ăn, buôn bán lam lũ bên đường thì Tommy tự thấy mình nhỏ nhoi, bé nhỏ. Bởi, hành trang cá nhân của tôi gọn gàng, chiếc xe của tôi đang đi cũng chất lượng, làm sao bì được với những sọt rau to đùng, những thứ hàng hóa cồng kềnh, lòng thòng, chất đống vào nhau trên chiếc xe đạp thồ, thô sơ. Vâng! Tôi chỉ mang theo bên mình hành trang cá nhân cho vài tuần du lịch, còn họ thì luôn mang theo cả một thế giới buồn vui, lam lũ của cuộc sống. Những lần chạm trán với những người dân đang hì hục, di chuyển trên những chiếc xe đạp thồ, đầy ắp những hàng hóa như thế chúng tôi luôn nhắc nhở với nhau rằng: Chúng ta chẳng là gì cả!

(Cuộc sống mưu sinh cùng với xe đạp thồ thô sơ)
(Vất vả với cuộc mưu sinh)
(Hàng rong)

Về thiên nhiên: “Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm!” chỉ có thể diễn đạt trong các tác phẩm văn học minh họa ca ngợi sự lao động cần cù hay những bài hát, bài thơ cổ động “xem trời bằng vung”, chứ khi đối diện với sức mạnh của thiên nhiên thì sức người chẳng là cái đinh gì! Chúng tôi đi vào giữa mùa hè, len  lỏi qua những cơn gió Lào (gió phơn) nên những chặng đường dọc theo vùng đồng bằng và đất thấp ven biển về hướng Nam thì chúng tôi hứng trọn sức mạnh của gió ngược. 

Ở những chặng ven biển có hôm gặp gió biển-gió Đông Nam, sức mạnh liên tục của gió đã rỉ rả, đục khoét tinh thần cũng như sức lực của chúng tôi (người dân biển miền Trung gọi là gió nồm, lần đầu tiên Tommy được 1 bác ngư dân miền Trung nói từ này mà không hiểu bác nói gì? Tommy phải nhờ bố phiên dịch và giải thích thì mới hiểu). Nhiều lúc chúng tôi phải ngao ngán, uể oải vật lộn với gió để dành từng cây số hành trình.  Sức mạnh của thiên nhiên đã làm cho chúng tôi hoảng sợ, nao núng khi những cơn lốc, cơn gió, giật mạnh đã đẩy chúng tôi vào lề đường.  Ðể duy trì thể lực trong cuộc chiến dai dẳn với sức gió ngược, tôi phải nghỉ giải lao thường xuyên và ăn nhẹ để có thể duy trì sức lực. Vâng! có vướng vào sức mạnh của gió Tây Nam nóng đến khô cháy mới cảm nhận sức người thật là nhỏ nhoi khi đối diện với thiên nhiên. Vì vậy, hãy dành cho thiên nhiên một chỗ đứng quan trọng khi lên chương trình du lịch xuyên Việt vào mùa hè gió Tây Nam nếu bạn muốn đạp xế xuyên Việt theo chiều từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Môi trường: Trong hành trình xuyên Việt, Tommy được ngắm những cảnh tuyệt đẹp của dải đất miền Trung nhưng ngược lại cũng đã cho Tommy thấy sự tàn nhẫn của con người khi đối xử với môi trường họ đang sống. 

(Chúng ta đang đối xử tệ bạc với môi trường sống của chính chúng ta)

(Một vài người có ý thức bảo vệ mội trường sẽ lan tỏa cho nhiều người)
(Bãi tắm tràn ngập rác)

Nhìn những bãi biển dọc miền Trung, trừ một vài bãi biển như: Nhật Lệ, Quy Nhơn được giữ gìn sạch sẽ, còn lại hầu hết là những bãi biển ô nhiễm bởi rác, nhựa... những con sông, con kênh đen kịt mùi hôi thối bốc lên làm cho chúng tôi chua xót, thương cho chúng ta và thế hệ tương lai-họ còn được bao nhiêu dòng sông thơ mộng, còn được bao nhiêu những bãi biển xanh đẹp, bao nhiêu ngọn đồi xanh um cổ thụ để làm của hồi môn?. 

Do đó, Tommy cầu xin những người kinh doanh dịch vụ, người dân, những bạn trẻ thích du lịch đang tàn phá, hủy hoại môi trường sống của chúng ta hãy dừng tay, hãy nghĩ lại, hãy luôn tỉnh thức, cùng nhau bảo vệ môi trường & sự an toàn của mình và mọi người.



(Các bạn trẻ ở thị xã Đông Hòa, Phú Yên cùng Gom không cô đơn dọn rác)
Cuối hành trình Tommy có may mắn được gặp chị Vũ Hà và anh Phạm Luật (chị Hà là một doanh nhân từ Hà Nội vào Phú Yên lập nghiệp, chị là người tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường, những buổi thu gom rác trên bãi biển Phú Yên; còn anh Phạm Luật là một đồng đạp mà chúng tôi gặp anh trên đường xuyên Việt):
(Bố của Tommy và chị Hà say sưa nói chuyện về rừng-biển, về bảo vệ môi trường)
(Chúng tôi cùng nhau đi trồng rừng)
Người anh và là người bạn mới của Tommy trên hành trình xuyên Việt 2020:
(Anh Phạm Luật đạp xe xuyên Việt từ Saigon ra Bắc với hành trình "Gom")

(Phạm Luật và các bạn trẻ Phú Yên cùng tham gia với hành trình "Gom")




(Còn nữa)
* By TOMMY PHẠM


 




Post a Comment

Previous Post Next Post