[TÔI ĐI PHƯỢT] TỪ BÃI THUẬN AN - ĐẾN TÂN CẢNH DƯƠNG

[TÔI ĐI PHƯỢT] TỪ BÃI THUẬN AN - ĐẾN TÂN CẢNH DƯƠNG

LTS: "Đường đi quá bằng phẳng sẽ khiến con người ta quên mất mục tiêu của mình là gì, chỉ có con đường gập ghềnh trắc trở mới tôi luyện nên ý chí kiên cường".

(Cầu Tư Hiền bắc qua cửa Tư Hiền)

Lần đến Huế năm 2019, Tommy dành toàn bộ thời gian cho việc tìm hiểu về lịch sử Huế, Tommy đã tham quan kinh thành Huế, bảo tàng, các di tích lăng tẩm nhà Nguyễn mà chưa có điều kiện khám phá và tìm hiểu về vùng đất xứ Huế. Chuyến đi này, Tommy đạp xe nên có điều kiện để tìm hiểu thêm về thiên nhiên, địa lý và con người nơi đây.

(Dừng chân ở bãi biển Thuận An)

Tommy kể hầu anh em một vài kiến thức địa lý mà Tommy lượm lặt được trong sách giáo khoa để đối chứng với thực tế của chuyến phượt này:

Nếu bạn thấy nhắc đến từ "Đầm, phá" mà không hiểu nó là gì thì ngày nay bạn có thể hỏi giáo sư Google; còn bạn lười hỏi giáo sư thì bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Tommy. 

Vậy, đầm phá là gì?. Đầm phá ven bờ biển (coastal lagoon) là một loại hình thủy vực ven bờ, nước lợ, mặn hoặc siêu mặn, thường có hình dáng kéo dài, được ngăn cách với biển bởi hệ thống đê cát dạng cồn đụn và có cửa (inlet) thông với biển[1]. Đầm phá ven bờ (coastal lagoons) khác với các vụng biển (lagoon) nằm giữa các rạn san hô vòng ngoài khơi.

Đầm phá có thể có một hoặc nhiều cửa biển, đóng mở thường xuyên hoặc định kỳ về mùa mưa lũ, có khi trên mặt đất thì đóng kín nhưng nước đầm vẫn luân lưu với nước biển phía ngoài nhờ thẩm thấu qua thân đê cát chắn. Phá Tam Giang. Đầm phá ven bờ có mặt ở nhiều nơi, chiếm khoảng 13% chiều dài đường bờ đại dương thế giới. Theo hình thái - động lực, đầm phá ven bờ được phân thành 4 kiểu - đầm phá dạng cửa sông (estuarine lagoon), dạng mở (open lagoon), dạng kín từng phần (partly closed lagoon) và dạng kín (closed lagoon).

Bây giờ chúng ta tiếp tục với hành trình của Tommy đi qua phá Tam Giang - Cầu Hai nhé!

Dậy từ 3h30' sáng để cùng bố đạp từ Tp. Huế  đến cửa Thuận An nhưng do nhầm đường mà Tommy đã phải đạp một cung đường vòng gần 40km mới ra tới cửa biển Thuận An. Sau khi ăn sáng, chụp ảnh tại bãi biển đến 8h thì chúng tôi tiếp tục hành trình trên Quốc Lộ 49 đi Tân Cảnh Dương - Lăng Cô. 

(Quán bánh canh làng Triều Thủy)
Con đường ven biển khá đẹp một bên là biển đông, còn một bên tiếp giáp đầm phá nối tiếp nhau: Đầm Thanh Lam, đầm Thủy Tú, đầm Cầu Hai - chúng nằm trong hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Phá Tam Giang thông ra biển Đông qua cửa sông Hương (cửa Thuận An), còn đầm phá Cầu Hai thông ra biển Đông ở cửa Tư Hiền.

Ở Việt Nam, các đầm phá tập trung ở miền Trung, nơi giàu nguồn bồi tích cát ven bờ, động lực sóng mạnh và  thủy triều không lớn. Từ tỉnh Thừa Thiên - Huế tới tỉnh Ninh Thuận, có 12 đầm phá tiêu biểu với tổng diện tích khoảng 458 km vuông, phân bố trên khoảng 21% chiều dài bờ biển Việt Nam. 

Hệ đầm phá Tam Giang -  Cầu Hai ở Thừa Thiên-Huế dài 70 km, rộng 216 km2 thuộc loại lớn nhất Đông Á và loại lớn trên thế giới. Hầu hết các tên gọi đầm, phá ở Miền Trung ứng với thuật ngữ lagoon trong tiếng Anh, nhưng có trường hợp không phải. Ví dụ, đầm Nha Phu ở Khánh Hòa không phải là một lagoon, mà là một vịnh biển nhỏ (small bay) có đáy bị bồi cạn đáng kể.

Đầm phá ven bờ ven bờ Miền Trung Việt Nam là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, là nơi lưu giữ nguồn giống sinh vật thủy sinh đa dạng kiểu sinh cư, như vùng cửa sông, đầm lầy, thảm cỏ nước, bãi lầy có thực vật ngập mặn, đáy bùn lòng chảo, lạch triều, bãi triều cát, vùng triều đá, nên đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, các cửa sông, đầm lầy và thảm cỏ nước trong đầm phá là nơi rất giàu dinh dưỡng, nguồn giống, nguồn lợi thuỷ sản và là nơi tập trung chim di trú tạo thành các sân chim lớn như ở cửa sông Ô Lâu trong phá Tam Giang trước đây.

Không chỉ dừng lại ở đó, nơi này còn được biết đến là một trong những điểm du lịch đẹp và hấp dẫn bậc nhất ở Huế. Nếu bạn có dịp tới Huế thì không thể bỏ qua cung đường ven biển để khám phá hệ đầm phá này.

Vẻ đẹp non xanh nước biếc ở đầm Cầu Hai làm ta thêm hưng phấn, xua tan mọi mệt mỏi.

(Đầm Cầu Hai - Một bên là dãy núi Trường Sơn, một bên là biển Đông)

Đạp xe qua cầu Tư Hiền, cây cầu được bắc cửa Tư Hiền, dừng chân bạn có thể chụp những bức hình đẹp mê hồn. Cảnh sông nước, sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người.


Tiếp tục quay lại hành trình đạp xe của Tommy: Qua cầu Tư Hiền, Tommy phải vượt qua cung đèo Phước Tượng để tới Tân Cảnh Dương nhưng muốn đến Phước Tượng thì Tommy phải vượt qua một con đèo mà Tommy không biết tên. Tommy chỉ nhớ quãng đường từ cầu Tư Hiền đến đèo Phước Tượng (QL 1A) dài khoảng 12 km thì Tommy phải vượt qua 1 con đèo cao với những khúc cua, có đoạn độ dốc lên đến 7 - 8% vào lúc trưa nắng gắt nên đã vắt kiệt sức lực còn lại của Tommy, hai đầu gối đau buốt, các cơ tứ chi cứng đờ và không còn cảm giác. 

Bụp! bất giác tôi nhảy khỏi xe ngồi bệt xuống đất, đầu óc quay cuồng, mụ mị, hai tai ù đặc, trước mắt Tommy thấy đom đóm bay chập chờn như trêu đùa mình.

Hự! hự, ục... lần đầu tiên Tommy cảm thấy đất ở dưới chân mình như sụp xuống. Ngồi nghỉ khá lâu thì hết xây xẩm mặt mày, rồi Tommy đứng dậy tiếp tục hành trình. Và, kia đỉnh dốc cũng xuất hiện, nó làm Tommy phấn chấn hẳn lên, chuẩn bị camera của chiếc Samsung để quay cảnh đổ đèo trong khi bố đã xuống đèo từ lúc nào mà Tommy cũng không hay. Đang đổ đèo thì thấy bố đạp xe quay lại, gương mặt của bố nhăn lại, rồi ông quát lớn "Mày làm gì vậy?, làm bố thót tim?". Chắc bố nghĩ mình gặp rắc rối gì?. 

Chúng tôi tiếp tục đổ đèo, mình cũng đã ghi lại cảnh đổ đèo với hình ảnh bố quay lại tìm:

(Cảm giác "phê" vô cùng khi đổ đèo, với tốc độ có lúc lên đến 50 km/h)

Tới chân đèo, hai bố con tôi đạp 5 km nữa rồi dừng lại nghỉ ngơi, uống cafe sau nghỉ khoảng 15 phút thì tiếp tục đoạn đường còn lại đèo Phước Tượng - Tân Cảnh Dương. 
Thời tiết hôm đó khá nóng do đó Tommy xuống sức rất nhanh, cứ đạp được 15km là Tommy phải dừng đạp để nghỉ. Sau hơn 3 giờ đạp xe dưới cái nắng nóng từ bãi biển Thuận An hai bố con Tommy đến đoạn đường vào bãi biển Chân Mây. Bố như biết sai sót của Tommy khi sử dụng Google Maps mà Tommy đã kể ở bài "Những bài học từ sai sót trong chuyến phượt" nên trong buổi sáng ngày hôm nay Tommy đã đạp xe hơn 100km qua đèo dốc vì vậy sức khỏe của Tommy không ổn. Do đó bố đã thay đổi kế hoạch, hai bố con sẽ không cắm trại, ngủ lều ở ngoài bãi biển Tân Cảnh Dương nữa mà thuê nhà nghỉ ở bãi biển Chân Mây để cho Tommy nghỉ ngơi.

Tommy thấy tiếc vì đã không thực hiện được kế hoạch cắm trại để ngủ đêm ở bãi biển Tân Cảnh Dương. Thôi thì để cho chuyến đạp xe xuyên Việt lần 2 vậy.

(Còn nữa, tiếp theo sẽ là chuyện Tommy ăn gì? ở đâu? trong chuyến phượt xuyên Việt)

* Tommy Phạm

Post a Comment

Previous Post Next Post