TẢN MẠN XE ĐẠP

TẢN MẠN XE ĐẠP

Với sự phát triển của hạ tầng, nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao cùng với đó là phương tiện giao thông ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn. Thế nhưng xe đạp thì khác, nó vẫn được kéo dài & thịnh hành nhiều năm nhiều tháng, cho dù con ngưòi đã bay được lên mặt Trăng. Ngày xưa con người dùng đôi chân, ngựa, thuyền làm phương tiện giao thông rồi đến xe đạp, khi phát minh ra động cơ đốt trong thì xuất hiện xe máy, xe hơi, tàu thủy, cuối cùng là tàu bay. Nhưng ngày nay nhiều nước châu Âu bắt đầu trở lại với xe đạp, không phải chỉ vì lý do thân thiện môi trường, mà còn là lý do vì sức khoẻ. Đan Mạch, Thụy Điển được gọi là vương quốc xe đạp, và đó cũng là một trong những đất nước được đánh giá đáng sống nhất thế giới.
Nhớ lại những năm trước đây, khi còn làm công chức hàng ngày tôi phóng xe máy đi làm, đến cơ quan pha trà, hút thuốc, hết giờ làm hay cuối tuần anh em lại hú nhau đi uống rượu, bia chẳng còn thời gian đâu để tập thể dục. Sau khi tham gia vài hội nhóm trên mạng xã hội, tham gia câu lạc bộ đạp xe, rất nhiều bạn trẻ trên các diễn đàn đã chia sẻ về sự chọn lựa đúng đắn khi quyết định không mua xe máy hay xe hơi mà mua chiếc xe đạp để đi chơi, đi làm. Nghe thật hay, mình cũng đồng ý, nhưng nghĩ lại thì điều này khó thực thi ở một đất nước như Việt Nam. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi cũng quyết tâm sắm xế  để độp đi làm, đi chơi.
(Chúa Kim Âu - Đặng Xá - Gia Lâm)

Bây giờ thì ngày nào tôi đạp xe đi làm, mỗi ngày cũng được hơn hai chục cây số. Đúng là sướng thật, thể lực cải thiện hẳn lên, chân cẳng cũng cứng cáp hơn, da dẻ đen sạm, khỏi cần đi tắm bùn. Không chỉ tốt về sức khoẻ, mà còn nhiều thứ lợi hại khác nữa (ví như: tiết kiệm xăng nhớt, bảo hiểm, bảo trì, gửi xe ...). Đi xe đạp bạn mua sắm đồ đạc cũng rẻ hơn. Chiều về ghé chợ mua bó rau, trái cà, trái cây....hay vào cửa hàng mua chiếc bánh mì, ly nước mía ... cũng ít bị chặt chém hơn. Nhiều người bán hàng nhìn thấy tôi "tội nghiệp", không lỡ nói thách mà còn khuyến mãi thêm. Ngồi quán vỉa hè trà đá cũng thoải mái, ghé chỗ nào cũng được. Không phải lo kiếm chỗ đậu xe, lo va quẹt, lại ít lo canh cánh đứa nào bẻ trộm kính, ăn cắp IC, mượn xe đi đái.... Đi ngang quán xá, nhà hàng, cũng ít đứa chèo kéo mời mọc, cứ thế mà đạp, mà đi. Nói chung là tiện lợi nhiều đường.
Nhưng dẫu là sướng vậy, nhưng đôi khi cũng có chút ngậm ngùi .... Như có lần, bảo vệ ở công ty mình nơi tôi mới đến làm việc, thấy tôi đi xe đạp, cậu ấy không cho để ở cổng mà lại ăn nói rất lỗ mãng khó nghe. Xe hơi, xe máy SH, Vespa, Lebity thì được anh chàng bảo vệ dắt ra vào, và hướng dẫn nhiệt tình. Một lần mình vừa dừng xe thì anh Giám đốc An ninh - Bảo vệ của công ty vồn vã chạy ra chào hỏi và ra hiệu cho mấy cậu nhân viên dắt xe của mình vào bãi làm mấy cậu ấy cứ trố mắt nhìn tôi mà không hiểu điều gì đang xảy ra. Những chiếc xe hơi, xe ga đắt tiền ra vào bãi gửi, thấy chiếc xe đạp của mình thỉnh thoảng họ liếc mắt soi mói ngay cả mấy anh xe ôm đứng ở cổng cũng tò mò, có chút hoài nghi, lo lắng, ngại ngùng.

Chỉ duy nhất những ngày trời mưa thì khó khăn hơn, vì áo mưa, áo gió đùm đề. Thỉnh thoảng đang đi, những chiếc xe hơi hoặc xe máy chạy ngang tạt nước lên, tung toé muốn ngã. Dường như những người ngồi trên xe hơi, xe máy ít ai quan tâm đến những hệ lụy mà mình gây ra cho người đi xe đạp. Những vũng nước cứ thế văng tung toé lên áo, lên tóc. Xe to quyền lớn, cứ chạy ào qua ....sống chết mặc bay. Nhiều lúc mình thắc mắc là những ai ngồi trên những chiếc xe đó? Là những chàng tài xế vô tư làm tròn phận sự, hay là những người chủ nhân vô cảm, vô tâm ? Có đi xe đạp mới thương cảm cho người đạp xe. Những chiếc xe đạp chở xoài, chở cam , chuối, rau ngã chổng ra đường, và những cái nhìn lạnh lùng quay vội bỏ đi. Những tấm áo mưa co ro ngày mưa, choàng trước hụt sau, cố gắng che đậy những vốn liếng của một ngày ít ỏi. Nhiều mảng đời vẫn ngày hai bữa cọc cạch trên đôi bánh xe xiêu vẹo, trôi nổi khó qua... Đúng ra thì đó cũng là một trong những câu chuyện xảy ra hàng ngày ở Việt Nam. Ngày đó và bây giờ, vẫn thế. Có những người bên này không hiểu chuyện bên kia. Người ngồi trên chiếc xe hơi sẽ không hiểu hết cái khó khăn của người đi xe đạp. Cũng có thể nhiều người đã từng còng mình trên những chiếc xe đạp ngày nào, nhưng rồi đến lúc được ngồi trên xe hơi, lại quên mất cái khó của mình ngày trước. Những câu chuyện tình người, quan tâm nhau, tôn trọng nhau, nghĩ cho người khác, nhất là nghĩ cho kẻ nghèo khó hoặc kẻ dưới .... hiếm hoi dần trong một xã hội đề cao vật chất, lối sống trọc phú, mang nặng tính hơn thua sĩ diện hão. Cuộc sống vật chất đã thay đổi quá lẹ. Văn hoá ứng xử nặng tính hình thức càng làm cho người ta bám víu vào những cái "status" để tồn tại, để đi lên, để "liền chị liền anh" trong xã hội mới. Và những chiếc xe đạp đã không thuộc về cái "status" của xã hội ngày hôm nay. Có thể xe đạp vẫn tồn tại ở những buổi dã ngoại, những kỳ nghĩ hè, những chuyến phượt, những homestay ở miền duyên hải, hoặc giữa lòng phố Hội, hoặc trong khuôn viên của một resort sang trọng nào đấy ..... Nhưng để tồn tại được ở những đô thị như: Saigon, Hà Nội, hay những thành phố lớn lớn khác, thì xe đạp chỉ có thể là phương tiện kiếm sống sinh nhai của những người khốn khổ, kém may mắn.
Cho nên tôi vẫn ước mơ sẽ có nhiều người Việt quay trở lại với xe đạp. Nhưng dẫu gì đó cũng là một ước mơ đẹp. Ai lại không nhớ đến những kỷ niệm thưở học trò, xe đạp, đường xưa áo trắng phượng hồng. Ai chở mùa hè của tôi đi đâu ? Ai sắm nổi chiếc vé quay về tuổi thơ ? Ai mang buổi đó đi rồi ... Một thứ hoài niệm !

Post a Comment

Previous Post Next Post