Mấy ngày nay tôi thấy nhiều bài quảng cáo trên mạng xã hội, trên các trang
thông tin giới thiệu về các khóa học cho các cháu vào kỳ nghỉ hè nên tôi lan man có suy nghĩ chia sẻ cùng các bạn:
Tôi có mấy người bạn sẵn sàng bỏ tiền chục triệu một khoá học
cho con cái, để mong con được hưởng những gì là hiện đại nhất, hiệu quả nhất cho
trí não - cho sự phát triển của con. Mấy khoá học ngắn hạn cho con về NLP, về
Tôi tài giỏi, Tôi dám thay đổi, Tôi thành công này nọ, cộng vào là 4, 5 chục
triệu như chơi. Nhưng sau mấy khoá ngắn hạn cả về thời lượng học và tính hiệu
quả, con của họ chẳng thu được gì mấy, đâu lại vào đó.
Cho nên mới nói, ai cũng có thể nuôi được thể xác, nhưng chỉ
người hiểu biết mới nuôi được tâm hồn. Tâm hồn đó bao gồm nhận thức - hiểu biết
- và tình cảm - sự nhân văn - trí tuệ.
Để có được một phẩm chất nào đó trong con người, cần một
quãng thời gian rất dài - từ việc tiếp cận thông tin đến giải quyết những xung
đột nội tâm để dung nạp thông tin mới đó - rồi mới rèn luyện cho thành kỹ năng
rồi tiếp tục thử thách và vượt qua thử thách để trở thành một phần máu thịt.
Còn nếu không thì thông tin vào từ tai này xuyên ra tai kia rồi theo gió cuốn
đi nhanh thôi.
Chính vì khó khăn và cần nhiều thời gian, nên người ta sẽ dễ
thích mình sống với ảo tưởng - với ảo tưởng thì mình được truyền cảm hứng dễ
dàng hơn, hào hứng bước đi (thường là đi theo mà không biết đi đâu, về đâu???),
thấy mình có những giây phút nhiệt huyết, thấy mình có nhiều tình yêu (thường
là ngưỡng mộ - say mê các thần tượng), và dễ dàng cống hiến với niềm tin vào lợi
nhuận và thành quả (ảo).
Và như vậy thực tế là mất - mất thời gian, mất tiền bạc, mất
các mối quan hệ, và nhất là mất niềm tin. Bố mẹ mất niềm tin cũng ảnh hưởng tới
con cái. Đứa trẻ mất niềm tin ảnh hưởng tới lòng tự tôn và tương lai của nó.
Cho nên, muốn nuôi được tâm hồn con cái, thì bố mẹ cũng phải
biết nuôi tâm hồn mình. Cũng tội nghiệp cho những đứa trẻ không tìm ra được nguồn
truyền cảm hứng cho nó, hoặc do bố mẹ không có thời gian, không có kinh nghiệm
nên để con mình bị định hướng một cuộc đời máy móc và nô lệ. Nguồn truyền cảm hứng
nhiều khi có thể là một người thầy cô, có thể là người bố mẹ là tấm gương về phẩm
chất, hoặc đơn giản một người lớn nào đó nhiều thấu cảm. Còn nếu toàn người giỏi
nói và làm kém, đứa trẻ nhanh chóng thất vọng và diễn giải tiêu cực về đời sống,
dễ dàng lựa chọn những hành vi bồng bột và lợi ích ngắn hạn.
(Hai bố con đi tham quan di tích văn hóa, lịch sử) |
Biết sống quả là nghệ thuật - nhiều tính nghệ thuật thì sẽ tận hưởng và không hối tiếc. Thiếu tính nghệ thuật thì thật ... đáng tiếc!
P/S: VỚI KỲ NGHỈ HÈ CỦA CON, TÔI LUÔN DÀNH HẾT THỜI GIAN CỦA MÌNH ĐỂ ĐƯỢC CÙNG CON ĐI CHƠI VÀ THAM GIA TRẢI NGHIỆM CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI.
Post a Comment