1. Đứt gãy trong mối quan hệ thầy – trò, do thầy mất dần đi tính chính danh, năng lực yếu, cả trong chuyên môn và lối ứng xử văn hóa; tính vụ lợi trong làm giáo dục (tìm cách dạy thêm bằng nhiều hình thức để thu tiền). Nó dẫn tới sự thiếu tôn trọng từ phía trò, sự thiếu tận tụy từ phía thầy; những luân lý dần hao mòn, dần làm thành bức tranh hoen ố, lan mỗi lúc 1 rộng, một sâu hơn trong mối quan hệ này.
2. Đứt gãy trong mối quan hệ nhà trường – phụ huynh. Phụ huynh mất dần niềm tin, lòng tôn trọng với nhà giáo giảm dần, sự ráo hoảnh mỗi lúc một hiện rõ do cả 2 đã theo đuổi những mục đích không giống nhau: phụ huynh vì sự tiến bộ của con, nhà trường vì thành tích; trường vụ lợi bằng cách lạm thu lách luật gây nên sự bất bình và “bất kính”; dần hình thành 2 “chiến tuyến" giữa cha mẹ và nhà trường. Một bên cảnh giác, nghi kị, đề phòng; một bên bề trên, kẻ cả và thiếu trung thực. Học sinh là nạn nhân trong cuộc đụng độ này, tổn thất chung thuộc về tương lai đất nước.
3. Đứt gãy trong mối quan hệ người học – xã hội. Biểu hiện đầu tiên là sự lệch pha, kiến thức giáo điều không/ ít dùng được vào cuộc sống; năng lực người học không đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu xã hội; người học mờ nhạt trong vai trò chủ thể kiến tạo xã hội, nếu không nói là có 1 bộ phận góp phần làm suy thoái xã hội.
4. Ba sự đứt gãy trên thuộc về môi trường và làm thành môi trường giáo dục, ví như mảnh đất để ươm hạt giống. Đất xấu, thậm chí đất hoang hóa thì không thể trồng lên những cây khỏe mạnh. Những đứt gãy này phản ánh 1 thực trạng không thể làm ngơ, vì nó quyết định chất lượng giáo dục và cũng là thang đo cho phẩm giá của một nền giáo dục. Không hàn gắn được những sự đổ vỡ này thì nền giáo dục sẽ không thể có tương lai. Và thêm nữa, hiện tình dường như đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
---
Post a Comment