Tại sao người thông minh làm điều ngu ngốc? Đơn giản thôi! (Bài của Andre Spicer, NHA dịch)
Suy nghĩ là một công việc nặng nhọc và việc đặt ra nhiều câu hỏi khó khiến bạn trở nên khó ưa. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ngay cả những người thông minh không phải lúc nào cũng dùng đầu để nghĩ.
Chúng ta đều quen biết những người thông minh nhưng lại làm những điều ngốc nghếch. Ở chốn công sở, ta thấy những người xuất chúng phạm phải những sai lầm sơ đẳng. Ở nhà, ta sống với người có trí tuệ trời phú nhưng cũng chẳng biết gì. Chúng ta đều có những người bạn với chỉ số IQ ấn tượng nhưng lại thiếu hiểu biết thường thức.
Trong hơn một thập kỷ, Mats Alvesson và tôi đã nghiên cứu những tổ chức của những người thông minh tuyển dụng những người thông minh. Chúng tôi đã liên tục bị ngạc nhiên bởi những người này lại làm ra những điều ngốc nghếch nhất có thể. Chúng tôi phát hiện ra rằng những người trưởng thành lại tích cực tham gia những hội thảo phát triển kỹ năng lãnh đạo phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo; những giám đốc lại tập trung vào đọc slides thuyết trình thay vì phân tích dữ liệu cẩn thận; những sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang thích những bài tập thay đổi thương hiệu hơn là các bài tập quân sự; các hiệu trưởng thích thú với việc lập chiến lược hơn là giảng dạy; các kỹ sư thích kể chuyện tốt lành hơn là giải quyết vấn đề; và những nhân viên y tế dành nhiều thời gian để đáp ứng các nhu cầu (của bệnh nhân) thay vì thực sự chăm sóc bệnh nhân. Cũng không lạ vì sao có quá nhiều những người thông minh đã mô tả công việc của họ bằng từ “ngớ ngẩn”.
Khôn ngoan cũng có cái giá của nó
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu này tôi nhận ra rằng cuộc sống của bản thân tôi cũng “tàn tạ” bởi những điều ngu ngốc. Ở công ty, tôi dành hàng năm trời để viết một nghiên cứu khoa học chỉ để cho vài chục người đọc. Tôi đặt ngày thi cho sinh viên để kiểm tra những kiến thức mà tôi biết chúng sẽ quên ngay khi bước chân ra cửa phòng thi. Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để tham dự những buổi họp hành mà tất cả những người có mặt đều công nhận nó là vô ích. Cuộc sống cá nhân của tôi còn tệ hơn. Tôi là kiểu người thường xuyên phải trả những khoản “thuế ngốc” mà các công ty và chính phủ áp xuống vì tội không suy nghĩ trước.
Rõ ràng là tôi có hứng thú với việc tìm ra lý do tại sao tôi, và hàng triệu người khác như tôi, nhiều khi lại có thể ngu ngốc đến vậy. Sau khi nhìn lại những kinh nghiệm của riêng mình và đọc những công trình nghiên cứu đang ngày càng nhiều về vấn đề tại sao con người không suy nghĩ, tôi và bạn đồng tác giả đã bắt đầu đi đến một vài kết luận.
Một chỉ số IQ cao không đồng nghĩa với sự thông minh. Các bài kiểm tra IQ chỉ phản ánh được trí tuệ phân tích; là khả năng nhận biết các dấu hiện và giải quyết các vấn đề cần sự phân tích. Phần lớn các bài kiểm tra IQ đạt chuẩn bỏ qua hai khía cạnh khác của trí tuệ con người: trí tuệ sáng tạo và trí tuệ thực tiễn. Trí tuệ sáng tạo là khả năng đối phó với các tình huống mới mẻ. Trí tuệ thực tiễn là khả năng hoàn thành công việc. Trong 20 năm đầu đời, con người được “phú” khả năng phân tích. Và chúng ta băn khoăn tại sao những người “giỏi nhất và sán lạn nhất” lại thiếu sáng tạo và vô dụng.
Phần lớn người thông minh hay phỏng đoán. Một trong những kiểu phỏng đoán quyền năng nhất là việc tự thiên vị bản thân: chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác. Phần lớn mọi người nghĩ rằng kỹ năng lái xe của mình trên mức trung bình. Nếu bạn hỏi các sinh viên trong một lớp học liệu họ có nghĩ trí thông minh của mình trên trung bình của cả lớp không, đại đa số đều giơ tay trả lời có. Thậm chí khi bạn hỏi những người, khách quan mà nói, có trình độ tồi tệ nhất ở một kỹ năng nào đó, thì họ vẫn có xu hướng nói rằng mình giỏi trên mức trung bình. Không phải ai cũng có thể ở trên mức trung bình – nhưng chúng ta đều có ảo tưởng như thế. Chúng ta cứ bám vào cái ảo tưởng này một cách tuyệt vọng ngay cả khi có quá nhiều bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Chúng ta thu thập tất cả các thông tin có thể chứng minh rằng minh đúng và lờ đi những thông tin chứng minh mình sai. Chúng ta cảm thấy ổn, nhưng ta bỏ qua những sự thật quan trọng. Và kết quả là, những người giỏi nhất thờ ơ với sự thông minh của người khác để khiến mình có vẻ thông minh hơn.
Sự thông minh cũng có cái giá của nó. Đặt những câu hỏi hóc búa, làm nghiên cứu và suy nghĩ cặn kẽ về sự việc đều tốn thời gian. Và còn kém thoải mái nữa. Phần lớn chúng ta thà làm việc hơn là nghĩ. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi ở một mình trong một căn phòng, người ta thà để cho điện giật hơn là ngồi im lặng và suy nghĩ. Sự thông minh cũng khiến người khác khó chịu. Đặt nhiều câu hỏi khó sẽ nhanh chóng khiến bạn trở nên khó ưa.
Những người khôn ngoan nhanh chóng học được bài học này. Thay vì sử dụng trí thông minh của mình, họ chỉ im lặng và làm theo đám đông – ngay cả khi điều đó có nguy hiểm. Trong ngắn hạn thì điều này có kết quả. Công việc được hoàn thành, cuộc sống dễ dàng hơn và người nào cũng vui vẻ. Nhưng về lâu về dài, nó có thể dẫn đến những quyết định không đúng đắn và đặt nền móng cho thảm họa.
Lần sau khi đập trán tự hỏi “tại sao mày lại ngu thế?”, tôi sẽ cố gắng tự nhắc nhở bản thân rằng mình đã mắc kẹt trong những tình huống tương tự, cũng giống như hàng triệu người khác: sự ngu ngốc của mình có khi cũng được đền bù.
BẠN CHỌN THÔNG MINH HAY KHÔN NGOAN?
Post a Comment