[KINH NGHIỆM PHƯỢT BẰNG Ô TÔ] HÀ NỘI - HỘI AN

[KINH NGHIỆM PHƯỢT BẰNG Ô TÔ] HÀ NỘI - HỘI AN

 

PHƯỢT HÀ NỘI - HỘI AN BẰNG Ô TÔ 9 NGÀY, 8 ĐÊM

(Dưới đây là những kinh nghiệm quý giá khi đi phượt Hà Nội - Hội An 9 ngày, 8 đêm bằng ô tô của #Tommy Pham, mời các bạn tham khảo (nếu bài viết này hữu ích thì các bạn tiếp tục ủng hộ mình nhé).

1. Chuẩn bị:

- Lựa chọn khung thời gian: hiện tại có khá nhiều người đủ khả năng và có mong muốn đi du lịch bằng ô tô, vậy nên cần lựa chọn khung thời gian phù hợp để tránh đi vào mùa cao điểm. Điều này cũng giúp giảm căng thẳng khi phải di chuyển trên đường dài và đông đúc, giảm khả năng phải chen lấn khi thăm các điểm du lịch, giúp dễ dàng đặt được khách sạn có vị trí đẹp với giá hợp lý và tránh rủi ro bị chặt chém.

- Lên lịch trình dự kiến: để tránh việc bị động trong quá trình di chuyển, cần lên lịch trình dự kiến cho chuyến đi, bao gồm: khung thời gian, điểm đến, quãng đường, các điểm ăn nghỉ, điểm vui chơi. Để chuyến đi không bị quá mệt mỏi, cần cân nhắc các yếu tố sau:

+ Số lượng người tham gia chuyến đi (số lượng người lớn và trẻ em).

+ Số lượng người có thể lái xe (điều này sẽ quyết định khá nhiều đến việc lựa chọn và sắp xếp lịch trình di chuyển).

+ Số lượng xe tham gia chuyến đi (điều này cần được cân nhắc để có sự điều chỉnh lịch trình phù hợp với số lượng lái xe trên mỗi xe cũng như đảm bảo xe đủ rộng rãi tránh mệt mỏi khi đi đường dài).


+ Cân nhắc sức khoẻ của các thành viên, khả năng lái xe để lên lịch trình và khung thời gian di chuyển cũng như nghỉ ngơi hợp lý. 

+ Thông tin về điểm đến: thời tiết, nơi ăn nghỉ, địa điểm tham quan, các hoạt động, sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian thăm quan (cho phép sắp xếp lộ trình, thứ tự di chuyển và nghỉ ngơi hợp lý).

Nếu có lịch trình hợp lý, mọi người trong đoàn sẽ không bị quá mệt và có thể đi được dài ngày hơn, đi được nhiều điểm hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

- Chuẩn bị về phương tiện: tốt nhất là nên đưa đi bảo dưỡng, kiểm tra tổng thể trước khi lên đường để đảm bảo xe vận hành an toàn trong suốt chuyến đi.

Bên cạnh đó, nên chuẩn bị thêm một số đồ cứu hộ mang theo bởi vì nhiều người đi xe trong phố quen nên đi xa không lường hết được những khó khăn gặp phải và những đồ "cần phải có mà không dùng, còn hơn lúc cần dùng còn không có", kèm theo là những kỹ năng sử dụng các đồ đó.

- Chuẩn bị về sức khoẻ: Đây là yếu tố quan trọng và có thể ảnh hưởng quyết định đến cả chuyến đi.

- Chuẩn bị về tài chính: dựa trên lịch trình dự kiến, cần ước lượng được khoản tài chính đủ để đi hết lịch trình đặt ra (có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản hoặc cả hai). 

- Chuẩn bị đồ dùng cá nhân: tuỳ vào thời tiết, địa điểm và khoảng thời gian của chuyến đi, cần chuẩn bị đồ dùng cá nhân phù hợp (mùa lạnh hoặc điểm đến có thời tiết lạnh thì cần có quần áo ấm, nếu dự kiến ra biển thì cần có đồ bơi, nếu trời nắng thì nên có mũ....). Số đồ dùng này cần tính toán số lượng vừa đủ để tránh việc mang quá nhiều khiến chật xe, mất công sắp xếp, tích trữ. 

- Một số đồ dùng khác cần chú ý chuẩn bị:

+ Áo chống nắng, kính râm, dép...

+ Đồ ăn nhẹ, nước uống. Uống nước đầy đủ và ăn nhẹ bổ sung trong quá trình di chuyển sẽ giúp phục hồi sức khoẻ và sự tỉnh táo.

+ Thuốc cảm sốt, chống tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt và đồ sơ cứu. Chuẩn bị sẵn những đồ này sẽ giúp xử lý nhanh các tình huống phát sinh.

2. Lên đường: Lộ trình từ Hà Nội vào Hội An không quá xa (quãng đường khoảng 790 km) nhưng cũng mất khoảng từ 14 đến 16 giờ chạy xe liên tục thì các bạn nên chia cung đường cho hợp lý tùy điều kiện sức khỏe và thời tiết.

+ Tuỳ vào thành phần tham gia của đoàn (số lượng lái xe, người già, trẻ nhỏ), có thể chia lộ trình thành 1 hoặc 2 chặng. Có thể lựa chọn đi theo tuyến đường 1A hoặc đường mòn Hồ Chí Minh. Đường 1A mất nhiều phí BOT, nhưng ngắn hơn, có nhiều điểm dừng nghỉ, tham quan dọc đường.

+ Nếu chuyến đi dài ngày, khuyến cáo nên đi thẳng (1 hoặc 2 chặng) vào Đà Nẵng rồi khi quay trở ra Hà Nội sẽ chia thành nhiều chặng nhỏ từ 200-300km/ngày. Cách đi này sẽ tận dụng được khoảng thời gian đầu đang háo hức và còn nhiều sức, đi thẳng sẽ ít cảm thấy mệt hơn. Khi quay trở ra, đi chặng ngắn, vừa chơi, vừa nghỉ sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi và đỡ căng thẳng.

- Chú ý trên đường: Lỗi hay gặp nhất trên tuyến đường này là lỗi tốc độ và liên quan đến tránh vượt.

+ Lỗi tốc độ: vì có nhiều đoạn đi qua khu dân cư nên rất nhiều đoạn được cắm biển khu đông dân cư. Các biển này thường chỉ được cắm một bên đường mặc dù đường có 2-3 làn hoặc sau đoạn cua khuất. Cộng thêm việc trên đường có nhiều xe to (xe tải, công ten nơ, xe khách) di chuyển hoặc dừng đỗ ở làn sát lề đường khiến cho biển bị che khuất. Do vậy, cần quan sát cẩn thận để tránh bị bắn tốc độ oan. Ngoài ra, chú ý tại Quảng Trị có cắm biển hạn chế tốc độ 40km/h ở đoạn gần trung tâm Thành phố Đông Hà. Khá nhiều biển hạn chế tốc độ được cắm với ý đồ hạn chế tốc độ qua (1 hoặc nhiều) nút giao. 

+ Lỗi tránh vươt: nhiều đoạn đường có cắm biển cấm vượt hoặc có đoạn kẻ vạch liền bất chợt. Cần chú ý biển báo và hạn chế vượt nếu không cần thiết để tránh lỗi vượt nơi cấm vượt hoặc đè vạch liền. Ngoài ra, có một số đoạn đường quanh co, CSGT hay vẫy lỗi vượt nơi đường cong tầm nhìn hạn chế. Lỗi này bắt chưa thật chuẩn nhưng lái xe nên tránh để tránh phiền phức và đảm bảo an toàn cho mình.

+ Lựa chọn đi xuyên qua thành phố hoặc đi tuyến tránh: đi xuyên qua thành phố sẽ tránh được xe to nhưng tốc độ sẽ chậm hơn do mật độ xe máy cao và có nhiều điểm giao cắt đèn xanh đỏ. Đi tuyến tránh sẽ nhanh hơn nhưng đường hẹp, nhiều xe to chạy tốc độ cao và vượt ẩu. Đi qua Quảng Bình thì nên đi tuyến tránh vì ở đây có cồn cát trắng rất đẹp nếu bạn thích chekin thì đây là địa điểm để chụp ảnh rất đẹp.

+ Các điểm cần chú ý khác: đường có nhiều điểm mở dải phân cách và đường dân sinh giao cắt với đường quốc lộ, người dân hay lao xe qua hoặc thậm chí trèo qua dải phân cách, Lái xe cần chú ý chủ động quan sát, giảm tốc độ để tránh va chạm. Xe tải, xe công te nơ thường bám làn sát dải phân cách, xe con nên chạy làn thứ 2 vì thường là các xe to đa số không nhường cho xe con vượt. Việc chạy làn thứ 2 này cũng cho phép lái xe quan sát được xe cắt ngang đường dễ hơn. Tuy nhiên cần chú ý xe máy chạy cùng chiều do họ hay lấn ra làn thứ 2 để đi. Dân 2 bên đường thường thả rông chó và bò ra đường, nên cần chú ý để tránh va chạm.

- Dừng nghỉ trên đường: Đường 1A có rất nhiều điểm dừng nghỉ. Nên ăn nghỉ ở những chỗ có nhiều xe tải vì lái xe tải thường chọn điểm ngon bổ rẻ. Ngoài ra có thể nghỉ, đi vệ sinh ở các trạm xăng hoặc kết hợp ăn nghỉ và thăm quan các điểm dọc đường (Lăng Cô, Bãi Đá Nhảy, Đền Ông Hoàng Mười, Đền Bà Triệu, Đền Cuông....)

3. Ăn nghỉ:

- Nghỉ: Trừ khi đi vào đúng dịp lễ hoặc mùa cao điểm du lịch, thì cần đặt phòng trước. Còn lại thì chỉ cần chuẩn bị sẵn danh sách các khách sạn tại điểm dự kiến sẽ đến, khi chuẩn bị đến nơi (hoặc trước 1 ngày) thì check giá phòng trên các trang đặt phòng rồi chọn nơi phù hợp nhất mà đặt. Khi đặt phòng thì cần check cẩn thận với khách sạn về chỗ để ô tô do nhiều khách sạn ko có chỗ đỗ ô tô mà phải đi gửi ở nơi khác sẽ bất tiện. Không nên chọn khách sạn quá đắt vì mình chỉ ngủ là chủ yếu và sử dụng ít tiện ích mà khách sạn cung cấp.


- Ăn: Nên tham khảo trước những nơi ăn uống ở khu vực mình đến. Do khẩu vị mỗi vùng miền mỗi khác. Thường thì các quán bình dân sẽ ngon hơn nhà hàng. Chú ý hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ để tránh tranh chấp ko đáng có.


4. Những thứ khác:

- Di chuyển bằng ô tô sẽ tốn ít hơn so với đi bằng máy bay hay tàu hoả nhưng tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Bù lại là sự chủ động, cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp dọc đường.


- Người lớn thường cảm thấy mệt mỏi hơn trẻ con. Trẻ con chơi xong ăn, rồi ngủ nên chúng nó chả thấy mệt đâu.

- Nên đặt nhẹ việc hoàn thành lộ trình dự kiến mà đặt nặng vào trải nghiệm. Cứ chỗ nào đẹp là chơi, mệt là nghỉ.


- Chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường những nơi mình qua. Bỏ rác vào nơi quy định hoặc gói gọn rác của mình mang về nơi có chỗ thu rác. Cảnh quan có bền vững hay không là do chính mỗi chúng ta.

- Tuân thủ pháp luật, giao thông an toàn, văn minh để có một chuyến đi trọn vẹn.

Chúc mọi người có chuyến đi vui vẻ và an toàn!

#toidiphuot, #kysuphuot, 

* By Tommy Pham

Post a Comment

Previous Post Next Post