CHÍ KHÍ CỦA NGƯỜI AN NAM
____________________________
Để làm một công việc của một người Âu châu phải cần ít nhất bốn tay phu và một người cai. Để phục vụ một hoặc hai người trong nhà người Pháp bao giờ cũng có ít nhất ba người ở: một người bồi (hầu phòng), một người nấu bếp, và một phu kéo xe. Sự phân chia công việc của họ được đẩy đến cực đoan. "Mỗi cá nhân, một ký giả dí dỏm viết, tiến hóa trong sự phong phú các quyền hạn của mình; người nào toan tính đảo lộn các vai trò đó, khiến người nọ giúp đỡ người kia và nhất là muốn mường tượng ra người hầu gái làm mọi việc, sẽ không thu xếp nổi thậm chí cho cái nhà mình được quét."
Không nên quá bực mình với người An Nam vì sự thờ ơ thái quá của y. Khuyết điểm này ở y hiển nhiên có xuất xứ từ các trạng thái sinh lý di truyền, làm giảm trách nhiệm của y, trong một chừng mực nào đó.
Đối với chúng ta sự lười nhác là một khuyết điểm trầm trọng, bởi lẽ chúng ta sở hữu đủ năng lượng dự trữ để thắng khuynh hướng tới sự bạc nhược trong chúng ta. Ngược lại, ở những người An Nam, sự uể oải biếng nhác là một trạng thái bình thường; sự hoạt bát mới là khác thường. Chí khí cùn nhụt của họ chỉ có một nghĩa duy nhất: tính thụ động. Từ "năng lượng" của chúng ta không có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ của họ.
Kiên trì, năng động, sáng tạo, là những phẩm chất xa lạ ở xứ An Nam. "Những người An Nam, cha Bouillevaux nói, hay thay đổi. Họ hăng hái bắt đầu một việc họ thích, họ khởi sự tốt trong bất cứ một nghề nghiệp nào; nhưng sau vài tháng, nhiều nhất là sau vài năm, là họ chán, ghê tởm công việc của mình, bỏ bê công việc, và từ bỏ luôn cả nghề của họ, trừ khi bị đẩy vào khốn cùng mới phải quay trở lại làm nghề đó. Người An Nam không có tính kiên trì. Y không thích tính kỷ luật: y thích hành xử theo ý muốn thất thường của y, lung tung, không suy nghĩ."
Người lao động An Nam, mà nhu cầu phải nói là tối thiểu, làm việc chỉ đủ để sống. Ngay sau khi y kiếm đủ để sinh nhai trong một thời gian nào đó là y ngừng làm việc. Đừng cố trả thù lao hậu hĩ cho một nghệ nhân bản xứ để y gắn bó với bạn hơn; nếu y kiếm được đủ tiền trong một tuần để sinh sống trong một tháng, thì đến ngày thứ tám, sau khi đã được trả tiền, người nghệ nhân của bạn sẽ không xuất hiện nữa, cho tới khi nào y tiêu hết đồng bạc cuối cùng. Người ta dễ dàng hiểu rằng không nên đòi hỏi những người như thế có khi nào tỏ ra có nhiều sáng kiến. Vậy nên, người ta hiếm khi thấy những người này có xu hướng với thương mại hay kỹ nghệ, những ngành, để thành công, đòi hỏi các phẩm chất quá lớn về sự thông minh hoạt bát, nền nếp, và tài khéo quản lý.
Chắc chắn đó là một trong những lý do chính khiến tại Đông Dương những lĩnh vực này trong hoạt động của con người hầu như hoàn toàn nằm trong tay những người ngoại quốc: người Âu châu, người Trung Quốc, hoặc những người châu Á khác, v.v.
Người An Nam chỉ khao khát những sự nghiệp đã được vạch sẵn tất cả, có bất ngờ ít nhất, đòi hỏi cố gắng tối thiểu của tính độc đáo. Y là một kẻ quan liêu từ trong tâm hồn. Tham vọng quyền lực và tình yêu lề thói cũ đã biến y thành một công chức bẩm sinh.
-------------------------
Trích dịch từ Paul Giran, Tâm lý dân tộc An Nam (1904), trang 31 - 32.
Post a Comment