Bài 3: THÂM CANH & TRÁI VỤ

Bài 3: THÂM CANH & TRÁI VỤ

Mình có tham lam quá không khi đặt ra vấn đề trồng hữu cơ mà lại đòi hỏi Thâm canh và Trái vụ. Mình nghĩ là không tham. Nếu canh tác mà không đạt đến thâm canh, không làm được trái vụ thì hiệu suất kinh tế sẽ rất kém. Trồng hữu cơ sẽ chỉ như một thú vui, một trải nghiệm, khám phá của một nhóm nhỏ người làm nông và sản phẩm sẽ mãi có giá chót vót, xa vời với đa số mọi người. Thực ra ngay trong mệnh đề của canh tác hữu cơ đã đặt tiền đề cho việc thâm canh và nhất là trồng cây trái vụ ấy là: Trả lại cho cây cuộc sống của chính nó. Nó sống theo kiểu của nó tất nó sẽ khỏe… năng suất cao, cái đích của thâm canh cũng vì thế mà không khó đạt được.

Mình có cái vườn chuối “Chí Phèo – Thị Nở… rất đỗi thân thương”. Trong phần cuối bài viết trước mình đặt mệnh đề Nếu: “Nếu… chúng ta bón đủ Humic, thường xuyên bổ sung Vi sinh vật hữu ích, gây dựng và bảo vệ môi trường cho Giun đất phát triển…”. Mình đã thực hiện điều này ở khu vườn chuối hơn 1 năm trước đó, năm vừa rồi mình để mật độ cây cao hơn 50% so với thông thường. Rồi mình “quên” cái vườn chuối ấy. Cuối năm thu hoạch... thú vị lắm, buồng chuối không hề bé (từ 25-40kg/buồng) quả to đến mức phải gọi là ngố, còn độ ngon… chắc ai đã ăn sẽ khó quên. Mình có thể gọi thâm canh của mình là kiểu… Siêu lười.

Buồng chuối "ngố" quả to, chín tự nhiên tại vườn Bồ công anh của ông chủ Xuân Trường

Về cây trái vụ sẽ hơi khác một chút, sẽ luôn gắn với bệnh. Có 2 cách: Đuổi theo bệnh để đánh thuốc, như có những người đã than với mình “tắm trong thuốc”. Cách thứ hai luyện cho cây khỏe. Mình chọn cách thứ hai. Nếu không dùng phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, không dùng các dịch dinh dưỡng nhiều đạm (dịch cá, dịch đậu tương) cây sẽ rất khỏe, chống chịu tốt với bệnh tật.

Vấn đề là nền nhiệt và cường độ bức xạ. Với cây vụ Đông trồng mùa nắng đây là vấn đề nan giải nhất. Phải che, nhưng không phải bằng lưới mà màng sinh học (lá cây). Hiện mình đang trồng cần tây trong vườn chuối, cây phát triển rất tốt vì nhiệt trong vườn bao giờ cũng thấp hơn ngoài trời từ 5-10 độ. Lá không có hiện tượng co lại vì quá nắng như cây trồng ngoài trời. Ở một khu khác mình kết hợp trồng điền thanh và gieo xen ngô để ngăn bớt ánh sáng và giảm nhiệt, kết quả tốt, cây phát triển bình thường. Vâng, có cả ngàn lẻ một phương án giảm nhiệt, giảm cường độ sáng cho cây thông qua màng che sinh học: Giàn cây leo, tán rừng trồng, vườn mía, vườn ngô, vườn cây ăn quả…vân vân và mây mây… Còn mình chừng 40 ngày nữa mình bắt đầu có cần tây khổng lồ chuyên ép nước trái vụ Mết in Hà Nội để xuất bán.
Ảnh: Bồ công anh cũng đang được mình “sơ tán” vào khu vườn chuối “Chí Phèo – Thị Nở” nơi thực hành rất nhiều thực nghiệm về canh tác với Bộ ba Nguyên tử: EM – Humic – Giun của nhà báo Xuân Trường

PS: Có cách nào để tăng các chất mang dược tính cho cây rau thuốc trồng ở những vùng không ưu thế??? Bài sau chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề này nhé.

Post a Comment

Previous Post Next Post