THAY ĐỔI CÁCH NHÌN

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN

Giờ ngồi đâu cũng thấy người ta hay khuyên buông (hoặc buông bỏ). Tôi nghe nhiều và nghiền ngẫm nhiều, thấy khó lắm, không bao giờ buông được. Người càng nói buông càng chẳng thể buông, vì buông được họ sẽ không còn nói.

- Nếu coi cuộc đời như một tờ giấy để ta viết lên đó số phận của mình thì có người viết ít, có người viết nhiều, có người viết hay, có người viết dở… nhưng phải viết. Buông là không viết hoặc để người khác viết thay, tôi không tin đó là một cách hay. Vì sao? Vì con người phải tồn tại giữa nhân gian, anh buông nhưng ai cho anh buông? Cái này còn có cách diễn đạt khác của dân gian: “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

Nhưng mà, tôi tin vào việc thay đổi cách nhìn. Nếu gặp khó khăn, bế tắc đừng vội nản chí mà nên thay đổi cách nhìn về nó, lúc đó sự việc sẽ có một sắc thái mới, nhẹ nhàng hơn.

Tôi đọc đâu đó câu chuyện một giáo sư ra đề bài cho sinh viên bằng cách đưa ra một tờ giấy trắng, giữa tờ giấy có một chấm đen rồi yêu cầu họ bình luận. Tất cả sinh viên đều tập trung bình luận chấm đen, từ vị trí, màu sắc, kích thước, độ tròn méo vân vân. Giáo sư rất thất vọng. Ông cho rằng, vì sao cả tờ giấy diện tích màu trắng lớn như thế mà ai cũng tập trung chú ý vào điểm đen, không nói gì về phần trắng?

Đấy là thói quen của cách nhìn, phải thay đổi nó.

2. Không ai có thể tận hưởng cuộc sống hiện tại nếu cứ luôn nghĩ về khía cạnh tiêu cực của cuộc sống.

Tôi không chơi hay kết bạn với ai nhìn mọi việc theo hướng tiêu cực (điều này khác với phản biện). Họ có thể không làm gì tôi nhưng mỗi khi ngồi với họ tôi nghe thấy họ than thở thì nó như một luồng năng lượng xấu. Bỏ đi cho lành.

3. Có thời gian dài tôi rất buồn, tôi thấy mình cô đơn và suốt ngày ngồi trong phòng đọc sách, nhưng cái buồn, cái cô đơn của tôi không bi lụy. Dù buồn, hay cô đơn tôi vẫn thức dậy mỗi sáng với lòng biết ơn cuộc sống. Đơn giản thôi, vì hôm nay tôi không phải lo cái ăn, hôm nay trời rét tôi có áo để mặc ấm hơn, trời nóng có thể bật quạt, có tiền để mua sách mà đọc …

Than vãn, kích bác, xoi móc, nghi kỵ, nói xấu người khác…chẳng giúp gì cho tương lai và cũng không thay đổi được quá khứ. Thay vì thế, chắt chiu những giá trị mà mình đang có, nắm bắt vẻ đẹp của từng khoảnh khắc và tận hưởng nó.

Tôi còn có những cây hoa để chăm, để được ngửi mỗi sáng hương thơm của chúng…; tôi có sách để đọc. Thậm chí chiều tối lại có thể đi tập thể dục hay la cà xuống phố uống bia với những người bạn …

Đó là những thứ cuộc sống ban tặng cho tôi, tôi đã hơn nhiều người nghèo khó.

4. Đừng tự mãn với những gì đang có vì tự mãn là dừng lại, dừng lại thì cái đang có sẽ không còn có nữa. Cũng đừng đố kỵ với người có nhiều thứ hơn mình, vì càng đố kỵ con người càng trở nên ích kỷ. Ích kỷ, ti tiện nó bộc lộ ra mặt. Cái này gọi là tâm sinh tướng.

Tôi thật! từ thuở hàn vi đến nay, trong túi tôi có 1.000 đồng thì sắc mặt vẫn như đang có chục triệu. Trong ví không tiền, có khách, kéo bạn bè ra quán mặt không biến sắc. Chưa bao giờ để bạn phật lòng. Nhìn lại, mấy người keo kiệt cũng chả giàu lên mà tôi cũng chẳng vì thế mà nghèo đi.

Tôi nghĩ, cái đó là nuôi dưỡng tính cách trong sự bình yên thanh thản của nội tâm. Nội tâm thanh thản mới có thể sinh ra cái gọi là thần thái.

(Thành cổ Quảng Trị)


Tôi có thần thái ư?

Haha!!!. Một chút thôi nhưng cũng đủ dùng.

Post a Comment

Previous Post Next Post