ĐỌC SÁCH LÀ CÁCH TỰ MÌNH KHAI HÓA
VĂN MINH CHO CHÍNH MÌNH
Đã khá nhiều người hỏi mình câu đại
ý: "Anh cho em biết kinh nghiệm đọc sách, sao anh đọc được nhiều thế, giới
thiệu cho em sách nọ sách kia...". Đại khái là hỏi về kinh nghiệm đọc
sách.
Nói thật là tôi không dám khoe là
đọc sách nhiều, vì đọc sách chẳng biết thế nào là nhiều, mình đọc vài trăm cuốn,
lại có người đọc vài ngàn cuốn, núi cao lại có núi cao hơn. Tôi chỉ dám nhận là
đọc sách nhiều hơn mức trung bình của người Việt Nam. Vì, người Việt đa số là ít
đọc (nguyên nhân từ đâu mà người Việt lười đọc sách?, tôi sẽ tìm hiểu để viết
trong một bài khác). Các Giáo sư, Tiến sĩ của Viện hàn lâm phải học nhiều, bằng
cấp nhiều, mới đọc thiên kinh vạn quyển, vì đọc là nghề của họ, còn tôi và các
bạn chỉ là nghiệp dư thôi. Nhưng nghiệp dư thì mỗi người một cách học, một cách
đọc khác nhau, tuy nhiên nó vẫn có những điểm chung.
Tôi không phải là người có trí nhớ
tốt, vì ngày xưa học mấy môn thuộc lòng cùng chỉ trung bình (thời học sinh tôi
còn phải chép bài kiểm tra Ngữ văn của bạn nhưng cũng chỉ được 4-5 điểm). Có chăng
là tôi chỉ có trí nhớ logic, tức là nhớ các sự kiện là chuỗi nhân quả. Chính thế,
để nhớ lâu, thì bản thân mình hay tự xâu chuỗi các sự kiện, Ví như: con tằm nó
nhả ra tơ, tơ dùng để may áo, thế mới nhớ được về con tằm! Rất may là cách làm
đó nó tốt cho việc đọc sách, nhất là sách lịch sử, địa lý, chính trị. Vì các sự
kiện thường xảy ra do các lý do biện chứng, ít khi là ngẫu nhiên.
VẬY, BÍ QUYẾT ĐỂ ĐỌC ĐƯỢC NHIỀU, NHANH VÀ NHỚ LÂU LÀ GÌ?
Bí quyết là chả có bí quyết gì sất!
Tất cả những câu lạc bộ, lò luyện
đọc sách mà lật trang như đếm tiền theo tôi là lừa đảo hết. Đọc sách như tập chạy
marathon. Chạy mãi thành quen, như người ta đi bộ, thấy nhẹ nhàng như không,
thích nhanh thì nhanh, thích chậm thì chậm, tùy hoàn cảnh. Tất nhiên cũng có
vài mẹo nhỏ quyết để đọc nhanh, tuy nhiên đọc nhanh để làm gì? nếu bạn không nhớ
được nội dung của cuốn sách, không móc nối được sự kiện, không phân biệt được
đúng sai.
Tôi đọc sách từ rất sớm, chắc tầm
lớp 3, 4 là bắt đầu đọc tiểu thuyết và đủ các loại hầm bà lằng, cày hết (cái
này một phần do nền tảng gia đình, gia đình tôi có truyền thống đọc sách).
Chính vì kinh nghiệm đó nên tôi vẫn khuyên nhiều người là nên đọc sách cho trẻ
từ khi mới lên 3, rồi tập cho trẻ con đọc sách sớm, từ khi chúng nó bắt đầu biết
đọc. Bởi vì lứa tuổi ham hiểu biết của trẻ là từ khoảng 6 tuổi tới khoảng 14 tuổi.
Giai đoạn này rất quan trọng, vì trẻ nó đọc sách không vụ lợi, có nghĩa là nó đọc
chỉ vì nó cần hiểu biết cái mà nó thích, chứ nó không quan tâm kiến thức đó sau
này để làm gì. Còn người lớn thì khi đọc sách thường hay thực dụng, hay tự hỏi "Đọc sách này để làm gì?".
Chính vì sự vụ lợi đó nên dân Việt không đọc hoặc người muốn đọc thì chỉ hay đọc
sách giáo trình, self-help, sách dạy làm giàu và sách thiên về giải trí. Người
ta ít khi đọc sách vì kiến thức mà không ra tiền hoặc không ra 1 lợi ích trước
mắt gì đó. Ví dụ cuốn Đắc nhân tâm bán rất chạy, vì nó dạy người ta cách quan hệ,
cách mua chuộc lòng người. Sách của Tony buổi sáng cũng vậy. Đó là kiểu đọc
sách thực dụng của người lớn, khi chúng ta đã có lý trí.
Nhưng mặt trái của cách đọc sách đó là chúng ta sẽ chỉ có kiến thức hạn hẹp ở những thứ mà chúng ta thấy cần, tiếc rằng đa số những kiến thức mà ta thấy cần là quá ít so với kho tàng kiến thức nhân loại. Chúng ta, con người xã hội chủ nghĩa, đã không được giáo dục khai phóng nhưng chúng ta lại lười đọc sách hoặc không bao giờ đọc sách, tức là chính ta cũng tự ngăn cản sự khai phóng bản thân. Bởi vì trước khi đọc, chúng ta thường đặt câu hỏi: "Đọc sách này để làm gì?" Và đa số câu trả lời là "Chả được tích sự gì". Vì thế mà chúng ta chẳng có nhu cầu đọc sách gì hết. Vì không đọc vẫn kiếm tiền tốt, vẫn quan hệ tốt.
Ví dụ: con gái tôi nó thích đủ mọi
loại sách, cư mỗi lần tôi dẫn con gái đến nhà sách thì thích đủ loại từ Chuột
típ, truyện cổ tích, kính vạn hoa, và...các loài động vật như chó, mèo, thạch
thùng, bươm bướm,... gần đây thêm sách dạy vẽ và gập giấy! Người lớn chúng ta sẽ
thấy nó rảnh quá, đúng không? Tôi thì chiều nó hết, miễn là nó thích mặc dù nó
chưa biết đọc nhưng tôi vẫn mua cho nó sách, dù sách trẻ con rất đắt, vì màu
mè. Bởi vì khi trẻ còn có đam mê tìm hiểu lĩnh vực gì đó thì ta phải tìm cách
nuôi dưỡng đam mê đó cho nó. Chỉ cần lờ đi vài năm nữa, khi mà trẻ học được
thói thực dụng của người lớn, thì nó sẽ không bao giờ đọc những thứ "vô bổ"
đó nữa. Thay vào đó là nó chăm chỉ học Toán, học Văn, học Ngoại ngữ...để học thật
giỏi, điểm thật cao, đó là kiểu thực dụng của trẻ con theo định hướng thực dụng
của bố mẹ chúng.
Chính vì tôi đọc sách từ bé nên
tôi có nền tảng kiến thức rộng 1 cách tự nhiên, chẳng cần ai ép. Chính thế nên
bây giờ khi tôi nói về một lĩnh vực nào đó thì hay bị bạn bè hay những người
xung quanh nhận xét là làm gì có chuyên môn, chỉ giỏi chém?! Đấy là do cái não
trạng của người Việt chúng ta, vốn được đào tạo chỉ để làm chuyên gia, hoặc
culi, nên trong đầu tự nhiên có phản xạ là cứ phải được đào tạo chuyên sâu thì
mới có thể hiểu được sâu về 1 lĩnh vực nào đó. Người ta không thể tin được ai
đó không có bằng cấp chuyên ngành mà có thể hiểu được về lĩnh vực trái ngành.
Đó là thứ tư duy ngụy biện, nó ăn sâu vào não người Việt rồi.
Từ thói quen đọc sách sớm, cộng với
việc tự học cũng sớm tương tự, nên tôi khá thoải mái khi tìm hiểu về 1 lĩnh vực
hoàn toàn mới mà thấy cần biết. Chẳng hạn như Y học, khoa học máy tính, khoa học
chính trị; Lịch sử thì tôi tự nghiên cứu từ 20 năm trước hoặc hơn, tất cả đều
hoàn toàn trái ngành. Còn kỹ năng viết thì nó đến một cách tự nhiên! Lúc đầu viết
kém bị người ta chê, bị chửi ngu như chó, như bò, nên cứ phải viết đi viết lại,
phải tự phấn đấu thôi!
Khi tự đọc, tự học được đủ nhiều
và sớm thì tự nhiên sẽ được tự do tư tưởng. Tất cả câu chuyện dài tôi kể bên
trên chính là quá trình tự khai hóa văn minh. Bất cứ ai, nhất những người giàu
lòng tự ái như người Việt, mà nghe thấy ai đó nói là họ khai hóa văn minh cho
mình là sẽ nổi điên ngay. Ngay như người Pháp hay Tàu ngày xưa rõ ràng là khai
hóa cho người Việt trong quá trình xâm lược, nhưng vẫn bị người Việt chửi như
thường!.
Tóm lại, nếu kỹ năng đọc sách của bạn đủ nhiều thì khả năng đọc hiểu sẽ nhanh và hiếm khi bị hiểu sai thông điệp của tác giả. Nói cách khác là rất khó bị lừa bởi câu chữ hay tin giả. Nếu kiềm chế cảm xúc tốt thì cũng sẽ thấy được các lớp ý nghĩa ẩn sau những con chữ.
Bài viết về đọc sách, nên tôi viết
dài để hiểu hơn về độc giả, nếu bạn đọc không hết bài viết này hay không đọc nổi một trang A4 thì bạn sẽ không thể nào đọc
được sách.
Post a Comment